Bãi bỏ việc buôn bán nô lệ William_Wilberforce

Khởi thủy

Wilberforce lúc 29 tuổi,
tranh của John Rising (1790)

Từ thế kỷ 16, nước Anh bắt đầu dính líu đến các vụ buôn bán nô lệ. Đến năm 1783, hành trình ba chiều (triangular route) mang các loại hàng hóa chế tạo tại Anh đến châu Phi, từ đó các thương nhân mua nô lệ và mang họ đến Tây Ấn, rồi từ đây vận chuyển hàng hóa do nô lệ sản xuất như đường, thuốc lá, vải bông về Anh; các thương vụ này chiếm đến 80% lợi tức hải ngoại của nước Anh.[40][41]

Tàu Anh khống chế việc giao thương, cung cấp nô lệ cho các thuộc địa của Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha và thuộc địa Anh, lúc cao điểm lên đến 40 ngàn nô lệ gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em; họ bị nhồi nhét lên tàu để vượt Đại Tây Dương trong điều kiện sống khủng khiếp.[42] Ước tính có khoảng 11 triệu người châu Phi bị bắt làm nô lệ, áng chừng 1,4 triệu người thiệt mạng trong các chuyến hải hành.[43]

Tại Anh, chiến dịch vận động bãi bỏ buôn bán nô lệ bắt đầu được chú ý tại Anh từ thập niên 1780 với việc thành lập các ủy ban chống chế độ nô lệ của các tín hữu giáo phái Quaker, họ cũng trình thỉnh nguyện thư lên Quốc hội năm 1783.[44][45] Cũng trong năm ấy, trong khi ăn tối với Gerald Edwards, một bạn học cũ ở Cambridge,[46] Wilberforce được giới thiệu với James Ramsay, từng là bác sĩ phậu thuật phục vụ trong các chuyến hải hành, về sau trở thành mục sư Anh giáo đến làm quản nhiệm nhà thờ St Christopher (sau đổi thành St Kitts) trên quần đảo Leeward, đồng thời là giám sát y tế cho các đồn điền ở đây. Những gì Ramsay chứng kiến về điều kiện sống của nô lệ, trên biển và trong các đồn điền, đã khiến ông kinh hoàng. Trở về Anh sau 15 năm phục vụ ở hải ngoại, Ramsay đến làm quản nhiệm ở Teston, Kent năm 1781, tại đây ông gặp Sir Charles Middleton, Lady Middleton, Thomas Clarkson, Hannah More và những người khác, họ hình thành một nhóm về sau được mệnh danh là nhóm Teston.[47] Quan tâm đến việc truyền bá thông điệp Cơ Đốc cùng cải thiện nền đạo đức tại Anh và hải ngoại, những người này khiếp đảm khi nghe Ramsay thuật lại lối sống suy đồi của các chủ nô, sự tàn bạo đối với nô lệ, và việc nô lệ không có cơ hội tiếp xúc với niềm tin Cơ Đốc.[48] Với sự khích lệ và hỗ trợ từ những người bạn mới, Ramsay dành ba năm để viết An essay on the treatment and conversion of African slaves in the British sugar colonies (Một tiểu luận về cách đối xử và sự qui đạo của nô lệ châu Phi tại các khu thuộc địa Anh), mạnh mẽ chỉ trích chế độ nô lệ đang diễn ra ở Tây Ấn. Xuất bản năm 1784, quyển sách là nhân tố quan trọng trong nỗ lực thu hút sự quan tâm của công luận, đồng thời quyển sách cũng khiến giới chủ đồn điền ở Tây Ấn phẫn nộ, họ công kích Ramsay trong một loạt các bài tiểu luận ủng hộ chế độ nô lệ.[49]

Viện Thứ dân trong thời Wilberforce

Trong lần gặp gỡ Ramsay vào năm 1783, Wilberforce không có phản ứng gì.[46] Tuy nhiên, ba năm sau, được soi dẫn bởi đức tin mới, Wilberforce bắt đầu quan tâm đến những cải cách nhân đạo. Tháng 11 năm 1786, một lá thư của Sir Middleton khiến ông lưu tâm đến vấn đề buôn bán nô lệ.[50][51] Từ gợi ý của vợ, Sir Charles Middlton đề nghị Wilberforce đem vấn đề này ra trước Quốc hội. Wilberforce thuật lại rằng, "tuy cảm nhận được tầm quan trọng của sự việc, tôi nghĩ rằng mình không đủ sức, nhưng không quyết liệt từ chối."[52] Ông bắt đầu đọc nhiều về chủ đề nô lệ, tìm gặp những người thuộc nhóm Teston tại nhà của Middleton ở Barham Court vào mùa đông năm 1786–1787.[53]

Đến đầu năm 1787, Thomas Clarkson, cựu sinh viên trường St John thuộc Đại học Cambridge, tin rằng cần phải bãi bỏ việc buôn bán nô lệ sau khi viết một tiểu luận được trao giải tại Cambrigde về chủ đề này,[47] tìm gặp Wiberforce tại nhà riêng của ông với bài tiểu luận trên tay.[54] Đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt nhau, từ đó hình thành sự hợp tác kéo dài gần 50 năm.[55][56] Clarkson đến thăm Wilberforce hằng tuần, cung cấp cho ông các chứng cứ ban đầu về nạn buôn nô lệ.[55] Trước đó, các tín hữu Quaker đã tích cực vận động bãi bỏ nạn buôn nô lệ cũng nhận ra rằng cần phải gây ảnh hưởng trên Quốc hội, họ thúc giục Clarkson tìm kiếm lời cam kết từ Wilberforce sẽ đem vấn đề này ra trước Viện Thứ dân.[57][58]

Bennet Langton, một chủ đất ở Lincolnshire và là bạn của cả Wilberforce và Clarkson, đồng ý tổ chức một bữa ăn tối vào ngày 13 tháng 3 năm 1787 để yêu cầu Wilberforce lãnh đạo chiến dịch vận động tại Quốc hội.[59] Khách mời còn có Charles Middleton, Sir Joshua Reynolds, Nghị sĩ William Windham, James Boswell, và Nghị sĩ Isaac Hawkins Browne. Đến cuối bữa, Wilberforce đồng ý trên nguyên tắc sẽ mang vấn đề bãi bỏ buôn bán nô lệ ra trước Quốc hội, bởi vì "không có ai thích hợp hơn".[60]

Mùa xuân năm ấy, ngày 12 tháng 5 năm 1787, Wilberforce khi ấy vẫn còn do dự, thảo luận với William Pitt và William Grenville (sau này là thủ tướng Anh) khi họ ngồi dưới tàng cây sồi trong lãnh địa của Pitt ở Kent.[7] Theo những điều được thuật lại trong sự kiện gọi là "Cây sồi Wilberforce" tại gia trang Holwood, Pitt đã thách thức bạn mình: "Wilberforce này, sao anh không lập kiến nghị về chủ đề buôn nô lệ? Anh đã tốn nhiều công sức để thu thập chứng cứ, như vậy còn có gì để chần chừ. Đừng đánh mất cơ hội, nếu không người khác sẽ giành lấy sứ mạng này."[61]

Động lực thúc đẩy Wilberforce tham gia phong trào bãi nô là ước nguyện thực thi các nguyên tắc Cơ Đốc và phụng sự Thiên Chúa trong cuộc sống.[62][63] Wilberforce và các tín hữu thuộc Phong trào Tin Lành kinh tởm trước những gì họ biết về việc buôn bán xấu xa và đi ngược lại giáo huấn Cơ Đốc này, về lòng tham vô độ của các chủ nô và con buôn.[63][64] Wilberforce cảm nhận được ơn gọi của Thiên Chúa, năm 1787 ông viết trong nhật ký, "Thiên Chúa toàn năng đặt trước tôi hai mục tiêu lớn, trấn áp việc buôn bán nô lệ và thay đổi bản chất con người."[65][66]

Vận động Nghị trường

Logo chiến dịch chống chế độ nô lệ của Josiah Wedgwood, 1795

Ngày 22 tháng 5 năm 1787, Hội Vận động Bãi bỏ Buôn bán Nô lệ tổ chức kỳ họp đầu tiên, quy tụ những tín hữu QuakerAnh giáo chia sẻ với nhau cùng một mục tiêu đấu tranh.[67] Ủy ban quyết định xúc tiến cuộc vận động chống nạn buôn bán nô lệ thay vì nhắm vào chính chế độ nô lệ, vì họ tin rằng chế độ nô lệ rồi sẽ bị triệt tiêu như là hệ quả tất yếu của việc bãi bỏ nạn buôn bán nô lệ.[68] Mặc dù cộng tác với ủy ban, Wilberforce không phải là thành viên chính thức mãi cho đến năm 1791.[69][70]Hiệp hội gặt hái nhiều thành công trong nỗ lực thu hút sự quan tâm và ủng hộ của công chúng, và các chi bộ của hội bắt đầu nở rộ trên toàn cõi nước Anh.[44][71]

Clarkson đi đến nhiều nơi để điều tra và thu thập dữ liệu và lời chứng ban đầu, trong khi ủy ban xúc tiến các chiến dịch, sử dụng các kỹ năng như vận động hành lang, phổ biến tờ rơi, mở các cuộc tụ họp, vận động báo chí, tổ chức các cuộc tẩy chay, và sử dụng một logo cho chiến dịch: hình ảnh một nô lệ bị xiềng xích với hàng chữ "Chẳng phải tôi là một con người và là một người anh em sao?". Logo này do Josiah Wedgwood, một nhà làm gốm nổi tiếng, thiết kế.[44][72][73] Ủy ban cũng tìm cách gây ảnh hưởng trên các quốc gia buôn bán nô lệ khác như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hà LanHoa Kỳ, liên lạc với những nhà hoạt động chống chế độ nô lệ ở nước ngoài, và dịch những tác phẩm tiếng Anh ra các ngoại ngữ,[74] trong đó có sách của những người từng là nô lệ như Ottobah Cugoano và Olaudah Equiano viết về chế độ nô lệ và nạn buôn nô lệ, chúng là những tác phẩm từng gây nhiều ảnh hưởng trong năm 17871789. Họ và ba người da đen tự do, gọi chung là "Những con trai của châu Phi", được mời đến nói chuyện tại các buổi thảo luận của hội, viết thư cho các nhật báo, tạp chí và các nhân vật nổi tiếng.[75][76][77] Trong năm 1788 và những năm kế tiếp, có hàng trăm kiến nghị chống nạn buôn nô lệ với hàng trăm ngàn chữ ký được gởi đến quốc hội.[44][73] Chiến dịch này được xem là cuộc vận động cho nhân quyền đầu tiên trên thế giới, lúc ấy nhiều người thuộc các giai cấp và nền tảng xã hội khác nhau cùng chung sức đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng bất công cho những người khác.[78]

Thomas Clarkson, tranh của Carl Frederik von Breda

Wilberforce dự định đệ trình dự luật bãi bỏ buôn bán nô lệ trong kỳ họp quốc hội năm 1789, nhưng đến tháng 1 năm 1788 ông mắc bệnh, có lẽ do điều kiện làm việc căng thẳng.[79][80] Ông phải mất vài tháng để chữa trị và dưỡng bệnh tại BathCambridge.

Trong thời gian Wilberforce vắng mặt, Pitt, nhậm chức Thủ tướng từ năm 1784, đứng ra trình dự luật, đồng thời chỉ thị Hội đồng Tư vấn mở cuộc điều tra về việc buôn bán nô lệ, kế đó Viện Thứ dân xem xét vấn đề này.[81][82]

Sau khi Hội đồng Tư vấn công bố bản tường trình vào tháng 4 năm 1789, Wilberforce cũng bắt đầu cuộc vận động của mình tại nghị trường.[83] Ngày 12 tháng 5năm 1789, ông đọc bài diễn văn quan trọng đầu tiên về chủ đề này trước Viện Thứ dân, trình bày những luận cứ cho rằng việc buôn nô lệ là điều đáng trách về mặt đạo đức và vi phạm sự công chính tự nhiên. Đưa ra những viện dẫn từ kho tư liệu khổng lồ của Thomas Clarkson, Wilberforce miêu tả chi tiết điều kiện sống khủng khiếp mà các nô lệ phải chịu đựng trong những chuyến hải hành từ châu Phi đến các điểm chuyển tiếp, ông đi đến kết luận bãi bỏ việc buôn nô lệ sẽ cải thiện điều kiện sống của các nô lệ ở Tây Ấn.

Nhận biết công luận đang chống lại mình, phe ủng hộ việc buôn nô lệ tìm cách hoãn cuộc bỏ phiếu bằng cách đề nghị Viện Thứ dân mở một cuộc điều trần để nghe những chứng cứ của viện, Wilberforce miễn cưỡng chấp thuận.[84][85] Cuộc điều trần không thể hoàn tất trước khi kết thúc kỳ họp quốc hội nên phải dời đến năm sau. Trong lúc đó, Wilberforce và Clarkson cũng không thành công khi cố thúc đẩy nước Pháp bãi bỏ nạn buôn nô lệ dù vào thời điểm ấy tinh thần bình đẳng tại nước này đang dâng cao do cuộc Cách mạng Pháp.[86] Tại đây, nạn buôn nô lệ bị bãi bỏ năm 1794 nhờ một cuộc nổi dậy đẫm máu của nô lệ ở St Domingue (nay là Haiti), nhưng lại được Napoleon phục hồi năm 1820.[87]

Tháng 1 năm 1790, nhờ giành được sự ủng hộ cho các ủy ban quốc hội xem xét khối lượng khổng lồ các chứng cứ đã thu thập, Wilberforce thành công trong nỗ lực thúc đẩy việc xúc tiến các phiên điều trần.[88] Ngôi nhà của Wilberforce ở Old Palace Yard trở thành trung tâm của chiến dịch, cũng là nơi tổ chức các buổi họp bàn thảo về chiến lược vận động.[7]

Bị gián đoạn do kỳ tổng tuyển cử tổ chức vào tháng 6 năm 1790, cuối cùng ủy ban cũng hoàn tất các phiên điều trần, đến tháng 4 năm 1791 trong một bài diễn văn dài gần bốn tiếng đồng hồ, Wilberforce đệ trình dự luật đầu tiên đòi bãi bỏ nạn buôn bán nô lệ.[89][90] Tuy nhiên, sau hai buổi tối tranh luận, dự luật bị đánh bại với tỷ lệ 163–88. Vào thời điểm ấy, bầu không khí chính trị tại Anh ngả theo chiều bảo thủ do bị tác động bởi cuộc Cách mạng Pháp, động thái này cũng được xem là một phản ứng đối với các cuộc nổi dậy của nô lệ tại vùng Tây Ấn thuộc Pháp.[91][92],

Chúng ta không được nản chí, đây là cuộc đấu tranh được chúc phúc. Sự thành công, không dễ dàng và mau chóng, sẽ là một sự vinh danh cho mọi nỗ lực của chúng ta. Chúng ta đã giành được một chiến thắng, chúng ta đã giúp những tạo vật đáng thương ấy được thừa nhận là những con người, là điều trước đây họ đã bị khước từ cách nhục nhã. Đây chỉ là kết quả ban đầu.
Chúng ta cần kiên trì cho đến khi thành quả của chúng ta được trọn vẹn. Chúng ta sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi lau sạch vết ố này trên danh xưng Cơ Đốc, và gỡ bỏ khỏi chúng ta gánh nặng tội lỗi, gánh nặng mà chúng ta vẫn phải nhọc nhằn mang vác cho đến ngày nay, và tận diệt những thương vụ đẫm máu, mà con cháu chúng ta, khi đọc lại những trang sử, khó mà tin nổi rằng sự ô nhục ấy đã tồn tại quá lâu trên đất nước này.

—William Wilberforce, diễn văn đọc trước Viện Thứ dân Anh,
ngày 18 tháng 4 năm 1791[93]

Đây là điểm khởi đầu cho chiến dịch vận động lâu dài ở nghị trường. Suốt trong cuộc tranh đấu cam go này, dù gặp không ít thất bại và thường xuyên đối đầu với sự thù nghịch, Wilberforce không hề rời bỏ mục tiêu. Ông nhận được sự ủng hộ tích cực từ những bằng hữu thuộc một nhóm người thuộc tầng lớp thượng lưu gọi là Nhóm Clapham, trong đó có Henry Thornton, người bạn thân tín nhất, cũng là anh em họ với Wilberforce.[94][95] Kiên định với xác tín Tin Lành, nổi tiếng với những hoạt động cải tổ xã hội, nhóm này được mệnh danh là "Các vị thánh", họ sống trong những ngôi nhà rộng lớn gần kề nhau ở Clapham, khi ấy là một ngôi làng phía nam London. "Các vị thánh" là một cộng đồng nhỏ, nổi bật với tình bằng hữu mật thiết cũng như nhiệt tâm ứng dụng các giá trị Cơ Đốc vào nỗ lực chống chế độ nô lệ. Họ cùng nhau xây dựng một không khí thân mật và thoải mái như trong một gia đình, mỗi người đều có thể tự do ra vào nhà ở và sân vườn của người khác, rồi thảo luận với nhau về các chủ đề tôn giáo, xã hội, và chính trị mà họ cùng quan tâm.[96]

Phe ủng hộ chế độ nô lệ lập luận rằng đám dân châu Phi bị bắt làm nô lệ chỉ là những con người hạ đẳng xứng hiệp với phận tôi đòi.[97] Wilberforce, nhóm Clapham, và những người khác tin rằng dân châu Phi, nhất là những người nô lệ đã được tự do, có nhân phẩm và sở hữu những khả năng kinh tế, đủ sức duy trì một xã hội có trật tự, và tham gia các hoạt động mậu dịch và nông nghiệp.

Một phần chịu ảnh hưởng bởi ý tưởng của Granville Sharp, năm 1792 những người này tham gia vào việc thiết lập khu định cư Sierra Leone cho những người da đen đến từ Anh, Nova Scotia, và Jamaica, cũng như thổ dân châu Phi và một số người da trắng.[97][98] Họ thành lập Công ty Sierra Leone có sự đóng góp tiền bạc và công sức của Wilberforce.[99] Giấc mơ về một xã hội lý tưởng, trong đó các chủng tộc chung sống trong bình đẳng và hòa hợp, trên thực tế vấp phải nhiều trở ngại: mất mùa, bệnh tật, chết chóc, chiến tranh, và nhiều người bỏ cuộc. Khởi đầu như một hoạt động doanh nghiệp, đến năm 1808, chính phủ Anh phải nhận trách nhiệm quản lý khu định cư này.[97] Dù gặp không ít khó khăn, Sierra Leone đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chống chế độ nô lệ, ở đó các cư dân, những cộng đồng, và các tù trưởng bộ tộc Phi châu, cùng hợp tác để ngăn chặn các vụ buôn bán nô lệ từ đầu nguồn, nỗ lực của họ được hậu thuẫn bởi chính sách phong tỏa đường biển của chính phủ Anh nhằm triệt tiêu các thương vụ buôn nô lệ trong vùng.[100][101]Ngày 2 tháng 4 năm 1792, Wilberforce lại đệ trình lần nữa dự luật bãi bỏ nạn buôn nô lệ. Cuộc tranh luận đáng nhớ tiếp theo đó đã thu hút những nhà hùng biện tài danh nhất ở Hạ viện: William Pitt, Charles James Fox, và Wilberforce.[102] Sau cùng, Henry Dundas, bộ trưởng nội vụ, đưa ra giải pháp thỏa hiệp gọi là "bãi nô tiệm tiến". Dự luật được thông qua với số phiếu 230–85, nhưng giải pháp thỏa hiệp này chẳng gì khác hơn là một thủ đoạn khôn khéo nhằm bảo đảm sự bãi bỏ tệ buôn nô lệ sẽ bị đình hoãn vô thời hạn.[103]

Chiến tranh với Pháp

Ngày 26 tháng 2 năm 1793, dự luật lại bị đánh bại với khoảng cách sít sao tám phiếu. Rồi thì bùng nổ chiến tranh với Pháp khiến mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng vì mọi quan tâm đều đổ dồn vào cuộc khủng hoảng và nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lăng.[104] Cũng trong năm ấy, rồi một lần nữa trong năm 1794, Wilberforce cố sức đệ trình Quốc hội dự luật đặt ngoài vòng pháp luật những tàu thủy Anh cung cấp nô lệ cho các khu thuộc địa của nước ngoài, nhưng đều không thành công.[97][105] Wilberforce bày tỏ sự quan ngại về chiến tranh và thúc giục Pitt cùng chính phủ của ông nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt tình trạng thù địch.[106]

Trong công luận, chủ trương bãi nô được xem là gắn liền với cuộc Cách mạng Pháp và với các nhóm cực đoan tại Anh, nên khó có thể tìm được sự hậu thuận từ công chúng.[107] Năm 1795, Hội bãi bỏ nạn buôn nô lệ ngừng các buổi họp, còn Clarkson lui về Lake District vì lý do sức khỏe.[108][109] Dù vậy, suốt trong thập niên 1790, Wilberforce vẫn duy trì nỗ lực đem dự luật này đệ trình trước Quốc hội.[110][111]

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 19, công luận bắt đầu đổi chiều và tỏ ra quan tâm đến vấn đề bãi nô. Năm 1804, Clarkson trở lại công việc, Hội Vận động Bãi bỏ nạn Buôn Nô lệ khởi sự tổ chức các cuộc họp, thu hút thêm các thành viên mới như Zachary Macaulay, Henry Brougham, và James Stephen.[108][112] Tháng 6 năm 1804, dự luật của Wilberforce được thông qua tại Viện Thứ dân nhưng không có đủ thời gian để được thông qua tại Viện Quý tộc. Khi được đệ trình lần thứ hai trong kỳ họp năm 1805, ngay cả Pitt cũng từ chối ủng hộ dự luật.[113] Từ đó, Wilberforce cảm thấy khó có thể tin rằng những người có quyền lực muốn làm những điều mà ông cho là đúng.[111]

Kết thúc

William Pitt.

Sau khi Pitt từ trần vào tháng 2 năm 1806, Wilberforce bắt đầu cộng tác nhiều hơn với Đảng Whig, giành được sự ủng hộ của chính phủ Grenville-Fox với nhiều thành viên có chủ trương bãi nô. Wilberforce và Charles James Fox dẫn đầu chiến dịch ở Viện Thứ dân trong khi Lord Grenville đấu tranh cho chủ trương bãi nô ở Viện Quý tộc.[97][114]

Để hoạt động hiệu quả hơn, họ thay đổi chiến thuật, đệ trình một dự luật cấm công dân Anh trợ giúp hoặc tham gia các hoạt động buôn bán nô lệ đến các thuộc địa của Pháp, xuất phát từ sáng kiến của James Stephen, một luật sư chuyên ngành hàng hải.[115] Đây là một tính toán khôn ngoan, vì nhiều tàu Anh treo cờ Mỹ và chở nô lệ đến các khu thuộc địa nước ngoài đang có chiến tranh với Anh.[116] Dự luật được thông qua và có sự chuẩn thuận của hoàng gia vào ngày 23 tháng 5 năm 1806.[117] Đạo luật mới đã kiểm soát được hai phần ba nạn buôn nô lệ của nước Anh, một phần là nhờ chiến thắng của Lord Nelson trong trận Trafalgar, nhờ đó Anh Quốc giành quyền kiểm soát đại dương và bảo đảm lệnh cấm được thi hành.

Trong hai thập niên, Wilberforce và Clarkson thu thập một khối lượng lớn các chứng cứ, và dành suốt nửa năm 1806 để viết "Thư về bãi bỏ nạn buôn nô lệ", được xem như là một bản tuyên ngôn cho chính nghĩa bãi nô. Cái chết của Fox vào tháng 9 năm 1806 là một tổn thất, ngay sau đó là cuộc tổng tuyển cử mùa thu năm 1806.[118] Chế độ nô lệ trở thành một vấn đề được quan tâm trong cuộc bầu cử, nhờ đó Viện Thứ dân có thêm các nghị sĩ chủ trương bãi nô, trong số đó có các quân nhân là những người từng chứng kiến tình trạng khủng khiếp của chế độ nô lệ, cũng như sự kinh hoàng trong các cuộc bạo loạn của các nô lệ.[119] Wilberforce tái đắc cử đại diện cho Yorkshire,[120] ông trở lại công việc, hoàn tất và cho xuất bản "Thư về bãi bỏ nạn buôn nô lệ", đây là một quyển sách dày 400 trang, hình thành nền tảng cho giai đoạn kết thúc chiến dịch.[121]

Lord Grenville, thủ tướng chính phủ, quyết tâm đệ trình Dự luật Bãi bỏ nạn Buôn Nô lệ trước Viện Quý tộc thay vì Viện Thứ dân, chấp nhận đối đầu với thách thức lớn nhất ngay từ đầu.[120] Trong bài diễn văn mạnh mẽ và đầy xúc động, ông phê phán các nghị sĩ vì họ "đã không chịu bãi bỏ nạn buôn nô lệ từ sớm hơn," và lập luận rằng buôn bán nô lệ và "đi ngược với những nguyên tắc của công lý, nhân bản và nền chính trị công bằng." Đến lần bỏ phiếu sau cùng, dự luật được thông qua với cách biệt bất ngờ 41–20.[122] Nhận biết thời cơ đã đến, ngày 23 tháng 2 năm 1807, Charles Grey (sau này là Tử tước Howick) triệu tập phiên điều trần thứ hai tại Viện Thứ dân. Dự luật được thông qua với kết quả 283–16. Khi tin vui đến với Wilberforce, mặt ông tràn đầy nước mắt,[117][123] Ngày 25 tháng 3 năm 1807, Đạo luật Bãi bỏ nạn Buôn Nô lệ được Hoàng gia phê chuẩn.[124]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: William_Wilberforce http://books.google.ca/books?id= http://books.google.ca/books?id=F-KIAOQxKigC&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=VMF_-aVJSE4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=ZyIwMHacJO0C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=iFcxAAAAIAAJ&pg=PT... http://books.google.ca/books?id=mqbGYGOizhEC&pg=PT... http://books.google.ca/books?id=n0lI5c9trSAC&print... http://www.brycchancarey.com/abolition/wilberforce... http://books.google.com/books?id=7A7k2tfu32YC&pg=P... http://books.google.com/books?id=G6UNAAAAQAAJ&prin...